Site banner

Khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu

KHU LƯU NIỆM NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU

Cụ đã đi về nơi cõi xa
Mà vần thơ cũ vẫn không nhòa
"Con thuyền chở đạo vươn trên sóng
Ngọn bút trừ gian mãi chẳng tà"

Cụ đã đi về nơi cõi xưa
Nghìn thu yên giấc dưới bóng dừa
Chúng con trên chặng đường đi tới
Có cụ kề bên những sơm trưa

Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu tự là Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai, sinh ngày 1/7/1822 tại làng Tân Khánh, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh). Cha là Nguyễn Đình Huy, người làng Bồ Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, là Thơ lại Văn Hàn ty của Tổng trấn Lê Văn Duyệt. Mẹ là Trương Thị Thiệt, người Gia Định.

Năm 1843, ông thi đỗ tú tài ở trường thi Gia Định. Năm 25 tuổi, ông ra Huế học tập chờ khoa thi năm Kỷ Dậu (tức năm 1849), nhưng chưa kịp thi thì hay tin mẹ mất. Trên đường về quê chịu tang mẹ, vì quá lo buồn, ông lâm bệnh và mù cả hai mắt. Khi ba tỉnh miền Đông rơi vào tay quân Pháp, không chịu sống trong vùng chiếm đóng của giặc, ông cùng gia đình về làng An Đức, tổng Bảo An, tỉnh Vĩnh Long, nay là huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre để sinh sống. Tại đây, ông dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho dân, sáng tác thơ văn và qua đời ngày 3/7/1888.

Hiện nay, khu đền thờ và lăng mộ của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu nằm cách trung tâm thị trấn Ba Tri khoảng 2 km về phía Nam, tọa lạc tại ấp 3, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Khu di tích này được Bộ văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia ngày 27-4-1990.

Nguyễn Đình Chiểu là một trong những nhà thơ yêu nước tiêu biểu của dân tộc Việt Nam nói chung, Nam bộ nói riêng ở thế kỷ 19. Cuộc đời và sự nghiệp của cụ là tấm gương sáng về lòng yêu nước, thương dân, về tinh thần chống ngoại xâm bất khuất. Mỗi tác phẩm của cụ đều thể hiện lòng căm thù thực dân Pháp và bọn phong kiến tay sai sâu sắc. Và đó cũng là lời kêu gọi toàn thể nhân nhân đứng lên kháng chiến chống quân xâm lược, đồng thời ca ngợi những thành tích anh hùng của dân tộc và nhân dân lao động trong công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Hơn một phần tư thế kỷ sống trên đất Bến Tre, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã gieo vào lòng người dân nơi đây những ảnh hưởng vô cùng to lớn, góp phần tạo nên truyền thống kiên cường, bất khuất của một vùng đất anh hùng.

Chính những giá trị đạo đức nhân văn, tinh thần yêu nước thương dân của cụ mà khi cụ qua đời, nhiều thế hệ người dân trong nước nói chung, Bến Tre nói riêng đều thể hiện sự tôn kính và cảm phục nhân cách cao cả của một nhà thơ, một người thầy hết lòng hết dạ vì nước vì dân. Để tưởng nhớ công đức của cụ, người dân Bến Tre đã xây dựng khu tưởng niệm cụ.

 

Cổng vào khu tưởng niệm danh nhân Nguyễn Đình Chiểu
Khu di tích tọa lạc trong một khuôn viên rộng lớn với tổng diện tích khu mộ và đền thờ là 13.000m2. Bên trong có đền tưởng niệm, khu lăng mộ của cụ, mộ bà Lê Thị Điền - người vợ hiền của cụ, và mộ của Sương Nguyệt Anh – người con gái cụ. Đền thờ của cụ được xây dựng khá to đẹp và phóng khoáng, không rườm rà chi tiết nhưng gây được nhiều xúc cảm đối với du khách khi đến viếng. Cổng đền được xây dựng bằng bê tông cốt thép, gồm 8 trụ tròn được chia thành hai hàng ngang tạo thành 3 cửa ra vào gồm một lối cửa chính và hai lối cửa phụ, hệ mái của cổng được lợp bằng ngói ống với nhiều lớp mái chồng lên nhau theo kiểu “trùng thềm điệp ốc”, các đầu đao vuốt cong vừa mang phong cách hiện đại pha lẫn kiến trúc truyền thống của dân tộc.
Mộ của Đồ Chiểu và Phu Nhân
 
Mộ phần của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh con gái Cụ Đồ
Khi bước qua cổng đền, bên trái cổng có nhà tiếp đón các đoàn khách, các cá nhân từ mọi miền đất nước đến viếng cụ. Từ cổng đền thờ đến nhà bia có một khoảng sân rộng được lát đá chẻ viền cỏ xanh rất thoáng mát. Trong khu vực đền còn trồng nhiều loại hoa kiểng, được cắt tỉa và chăm sóc hằng ngày. Cả khu vực đền thờ trở thành một hệ thống liên hoàn hòa nhập với phong cảnh thiên nhiên xung quanh.



Nhà bia với 2 tầng mái tượng trưng cho hai cống hiến nổi bật, đó là những áng thơ văn yêu nước kiệt xuất của cụ, là ngọn cờ đầu của thơ văn yêu nước chống Pháp và những tác phẩm văn học dân gian xuất sắc đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của thơ ca Nam bộ. Đền thờ của cụ được xây hình tròn với ba tầng mái tượng trưng cho ba nghề nghiệp của cụ đó là nghề dạy học, bốc thuốc và làm thơ. Bên trong đền thờ là tượng cụ Nguyễn Đình Chiểu được đúc bằng đồng. Hai bên có hai câu đối: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm, Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Bên cạnh đó, có nhiều mảng phù điêu đã thể hiện tinh thần yêu nước của người dân Bến Tre trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Mảng phù điêu bên trái của ngai thờ diễn tả cảnh cụ Nguyễn Đình Chiểu đọc văn tế “Lục tỉnh sĩ dân trận vong” tại chợ Đập, huyện Ba Tri vào năm 1883. Còn mảng phù điêu bên phải miêu tả lại trận đánh của Đốc binh Phan Ngọc Tòng tại Giồng Rạch, xã An Hiệp, huyện Ba Tri. Hai mảng phù điêu này được Công ty Mỹ thuật Trung ương thiết kế theo yêu cầu của Kiến trúc sư Phạm Anh Minh - Nguyên Giám đốc Công ty Tư vấn thiết kế tỉnh Bến Tre. Ngoài ra, trong đền thờ còn có hai câu thơ do ông Nguyễn Văn Châu – Nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bến Tre sáng tác nhân dịp xây dựng đền thờ mới của cụ Nguyễn Đình Chiểu: “Nhân nghĩa sáng ngời vầng nhật nguyệt, Văn chương tỏa rạng ánh sao khuê”.
Tượng Cụ Đồ trong Đền thờ
Ngoài khu Đền thờ còn có một phòng trưng bày khá rộng, giới thiệu những tác phẩm thơ văn của cụ như truyện thơ Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu, Ngư tiều y thuật vấn đáp hay các bài thơ điếu, văn tế như Văn tế nghĩa sĩ chết trận Cần Giuộc, Văn tế lục tỉnh sĩ dân trận vong, Văn điếu Trương Định, thơ điếu Phan Tòng, Phan Thanh Giản... Cảm động nhất là bức tranh vẽ cảnh cụ đề thơ cho con gái Sương Nguyệt Anh ghi lại, do ông Nguyễn Phi Hoanh vẽ năm 1973. Ngoài ra, còn có những tấm hình lưu niệm các nguyên thủ quốc gia trong nhiều thời kỳ đã về quê hương Đồng Khởi thăm viếng lăng mộ cụ. Người dân Bến Tre và nhân dân cả nước kính trọng lòng yêu nước, quý mến tiết tháo và phẩm chất của cụ - một người đã nâng đạo lý yêu nước, thương dân, trọng nhân nghĩa, không khuất phục cường quyền thành sức mạnh tinh thần đánh giặc cứu nước.



Cách đền thờ mới không xa, là khu đền thờ cũ. Đền thờ do ông Mai Thọ Truyền, người học trò cũ của cụ xây dựng vào năm 1972 trên một diện tích rộng khoảng 1.200m2. Ngày nay, tại khu đền thờ này được mở một phòng Chuẩn trị Y học Cổ truyền nhằm tái hiện lại một phần trong cuộc đời làm thầy thuốc chữa bệnh cho dân của cụ Nguyễn Đình Chiểu. Ngoài ra, trong khu di tích còn có khu lăng mộ được xây trên nền đất cao, xung quanh có 3 gò đất tượng trượng cho ba dải cù lao của tỉnh Bến Tre.



Khu di tích Đền thờ cụ Nguyễn Đình Chiểu đến nay đã trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo. Lần trùng tu lớn nhất là vào năm 1999, Bộ Văn hóa - Thông tin và tỉnh Bến Tre đã đầu tư xây dựng đền thờ mới và mở rộng khu di tích, nhằm tỏ lòng thành kính đối với cụ, vừa để phục vụ cho việc tham quan, nghiên cứu, giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ người dân tỉnh Bến Tre.



Nguyễn Đình Chiểu là biểu tượng vô cùng vĩ đại cho nhân cách người dân Việt Nam trong thời kỳ đất nước gặp nhiều biến cố, đau thương. Chính nhân cách của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã ảnh hưởng rất lớn đối với người dân vùng đất Bến Tre. Vì vậy, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam đã lập ra giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu công bố năm 1965 dành tặng cho các tác giả, tác phẩm nổi bật trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật ở miền Nam. Hiện nay, nhiều con đường, trường học, bệnh viện ở Bến Tre đã được vinh dự mang tên cụ.



Hàng năm vào ngày sinh của cụ (1-7), tại Khu di tích, hàng ngàn người dân Bến Tre tụ hội về đã trở thành ngày hội văn hóa của tỉnh để tưởng nhớ nhà thơ yêu nước vào bậc nhất của Nam bộ nói riêng, Việt Nam nói chung trong thời kỳ chống Pháp. Nhưng trên hết, ngày hội này là dịp để nhắc nhở mọi người nhớ đến tài năng, đức độ của một bậc hiền tài. Tấm gương của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã đi vào sử sách, đi vào lòng người không chỉ ở Bến Tre mà đã in sâu, lan rộng khắp vùng, vang xa cả nước.