Site banner

Sự nghiệp văn chương của cụ Đồ Nguyễn Đình Chiểu

Sự nghiệp văn chương của cụ Đồ Nguyễn Đình Chiểu.

Tác phẩm Dương Từ - Hà Mậu

Sự nghiệp sáng tác thơ văn của nhà thơ gắn gặt với vận mệnh của đất nước và những bước thăng trầm của lịch sử dân tộc thời kỳ cận đại. Quá trình sáng tác thơ văn của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu có thể chia ra làm ba thời kỳ với hoàn cảnh đất nước và hoàn cảnh cá nhân có những đặc điểm khác nhau.

Thời kỳ Nguyễn Đình Chiểu bị mù lòa và dạy học tại Bình Vi (Gia Định):

Tác phẩm Lục Vân Tiên

Giặc Pháp bắt đầu thực hiện âm mưu xâm lược nước ta, nhân dân cả nước đang đứng trước nguy cơ nghèo đói, nạn thất mùa, dịch bệnh và họa ngoại xâm (1850 – 1858).

Tác phẩm chủ yếu mà cũng là tác phẩm đầu tiên của nhà thơ trong thời kỳ này là tác truyện thơ Lục Vân Tiên mang tính chất tự truyện của tác giả. Cũng trong thời kỳ này, Nguyễn Đình Chiểu đã bắt đầu sáng tác truyện Dương Từ - Hà Mậu (1843) thực dân Pháp nổ sung thị uy ở Đà Nẵng đòi thả các linh mục đạo thiên chúa bị bắt giam ở Huế. Năm 1847, Pháp công khai gây hấn bắn chìm một chiếc thuyền của triều đình Huế ở cửa Hàn. Năm 1848. triều đình Huế ban dụ cấm đạo thiên chúa nghiêm ngặt hơn trước.

Khi quân Pháp vào đánh chiếm thành Gia Định, Nguyễn Đình Chiểu viết bài thơ Chạy giặc và sau đó vào ở quê vợ tại Thanh Ba, Cần Giuộc.

Thời kỳ Nguyễn Đình Chiểu về Cần Giuộc cho đến khi giặc Pháp đánh chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ (1859 - 1862):

Tác phẩm Ngư Tiều y thuật vấn đáp

Thời kỳ này Nguyễn Đình Chiểu tiếp tục hoàn thành tác phẩm Dương Từ - Hà Mậu, đồng thời sáng tác một số văn thơ yêu nước mà tác phẩm nổi tiếng nhất là “Văn tế nghĩa dân chết trận Cần Giuộc”. Thời kỳ giặc Pháp đánh chiếm 3 tỉnh miền Tây Nam Bộ, Nguyễn Đình Chiểu về Ba Tri dạy  học và làm thuốc cho đến lúc qua đời (1862 - 1888) Khi rời Cần Giuộc về Ba Tri, Nguyễn Đình Chiểu đã viết bài thơ “Từ biệt cố nhân”.

Tại Ba Tri khi được tin Trương Định hy sinh tại Gò Công (1864) ông viết bài văn tế và 12 bài thơ liên hoàn điếu Trương Định. Phan Tòng khởi binh ở Giồng Gạch, Ba Tri, rồi hy sinh tại Gò Trụi (1867) Nguyễn Đình Chiểu viết 10 bài thơ liên hoàn điếu Phan Tòng.

Cũng trong thời gian nầy ông sáng tác bài “ Tế lục tỉnh dân trận vong văn” (bài này Nguyễn Đình Chiểu đã đọc trong buổi lễ tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh tại chợ Ba Tri năm 1883). Tác phẩm cuối đời của Nguyễn Đình Chiểu là tập truyện thơ “Ngư tiều y thuật vấn đáp”. Những tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân và còn lại đến ngày nay. Có thể chia chia thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu thành 2 bộ phận chủ yếu:

Các truyện thơ Nôm:
+Lục Vân Tiên.
+Dương Từ - Hà Mậu
+Ngư tiều y thuật vấn đáp.

Thơ văn yêu nước chống Pháp gồm các bài thơ lẻ, văn tế, thơ điếu, những bài thơ, bài hát, đối thoại của các nhân vật trong các tác phẩm Dương Từ - Hà Mậu và Ngư tiều y thuật vấn đáp như:

+Chạy giặc
+Văn tế nghĩa dân chết trận Cần Giuộc.
+Từ biệt cố nhân.
+Ngựa tiêu sương
+Con dê.
+Trời bão.
+Nước lụt.
+Cáo thị
+Văn điếu Trương Định.
+Thơ điếu Trương Định
+Thơ điếu Phan Tòng
+Văn tế lục tỉnh sĩ dân trận vong.
+Hịch đánh chuột.
+Thơ cho em.

Các bài thơ, bài hát và trích đoạn trong các tác phẩm Dương Từ - Hà Mậu và Ngư tiều y thuật vấn đáp. Ngoài ra còn có 5 bài thơ lẻ, nhiều người cho là của Nguyễn Đình Chiểu nhưng vẫn còn trong dạng tồn nghi chưa xác định.

Giá trị tư tưởng và nghệ thuật trong các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu. Toàn bộ cuộc đời và tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu được người đương thời, nhân dân và các nhà nghiên cứu văn học nước ta và trên thế giới hiện nay trân trọng và đánh giá rất cao về giá trị tư tưởng và nghệ thuật. Xin trích một số đánh giá tiêu biểu nhất:

"Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ yêu nước mà tác phẩm là những trang bất hủ ca ngợi cuộc chiến đấu oanh liệt của nhân dân ta chống bọn thực dân phương Tây ngay từ buổi đầu chúng đặt chân lên đất nước ta… Vì mù cả hai mắt, hoạt động ủa người chiến sĩ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu chủ yếu là thơ văn. Và những tác phẩm đó, ngoài giá trị văn nghệ, còn úy giá ở chỗ nó soi sáng tâm hồn trong sáng và cao úy lạ thường của tác giả và ghi lại lịch sử của một thời khổ nhục nhưng vĩ đại". (Phạm Văn Đồng- Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc, tạp chí văn học 7- 1963).

"Cuộc đời và thơ văn Nguyễn Đình Chiểu toát lên một tư tưởng nhân nghĩa lớn, bao trùm quan hệ xã hội, nhưng cốt lõi là tình yêu nước thương dân sâu sắc… Qua việc nghiên cứu các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, chúng ta còn nhấn mạnh một điểm là tính nhân dân, tư tưởng nhân nghĩa, tư tưởng yêu nước, yêu dân của nhà thơ quán xuyến toàn bộ tác phẩm của ông. Cái vĩ đại của cuộc đời và thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu là bài học của một con người vĩ đại ở vào một thế bi kịch mà ý chí và đạo đức của mình đã có thể giúp cho đời một cách tối đa". (Hà Huy Giáp - Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ lớn yêu nước, chống xâm lăng, một tâm hồn dằng dặc nhân nghĩa, một tấm gương kiên trung, bất khuất - Nguyễn Đình Chiểu, tấm gương yêu nước và lao động nghệ thuật, NXB KHXH Hà Nội 1973).

"Lửa thiêng chính khí của Nguyễn Đình Chiểu sáng lên đầu ngòi bút của ông, ngòi bút đó không ngừng động viên giáo dục truyền thống hào khí dân tộc, góp phần bồi dưỡng cho tâm hồn đông đảo nam nữ, nhất là thế hệ trẻ trong sự nghiệp anh hung giữ nước và dựng nước ngày nay". (Ca Văn Thỉnh – góp thêm vài ý kiến tìm hiểu Nguyễn Đình Chiểu và hào khí dân tộc  - kỷ yếu hội nghị khoa học về Nguyễn Đình Chiểu, SVHTT Bến Tre 1984).

"Nội dung tư tưởng là hòn ngọc trong sự nghiệp văn chương của Nguyễn Đình Chiểu. Trong văn chương của Nguyễn Đình Chiểu, hình thức nghệ thuật luôn luôn chứa đựng một hệ thống triết lý nhân sinh sâu sắc, gần như nhất quán. Người thế hệ trước cũng như thế hệ bây giờ, chúng ta đều mến phục Nguyễn Đình Chiểu bởi vì tư tưởng tiến bộ toát ra từ mỗi tác phẩm, từ cả cuộc đời của cụ… Triết lý nhân sinh của Nguyễn Đình Chiểu lấy nhân nghĩa làm gốc… Những đoạn văn tuyệt tác về phương diện đạo lý cũng như về phương diện nghệ thuật, có sức cảnh tỉnh người còn mê muội, có sức củng cố người đã giác ngộ, đó là những ngọn bút thép đâm thẳng vào mặt lũ bán nước buôn dân". (Trần Văn Giàu, Vì sao tôi thích đọc Nguyễn Đình Chiểu - Nguyễn Đình Chiểu tấm gương yêu nước và lao động nghệ thuật, NXBKHXH Hà Nội 1973).

"Chỉ vì tật nguyền, mù cả hai mắt – mà Nguyễn Đình Chiểu không thể tham gia chiến đấu trực tiếp. nhưng khí phách anh hùng, tinh thần bất khuất của ông đặt ông vào vị trí của một người kế thừa xứng đáng truyền thống vẻ vang của nền văn học kinh điển Việt Nam mà năm trăm năm trước đó, nhà văn hóa thiên tài và anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi dưới lá cờ “Lấy đại nghĩa thắng hung tàn. Đem trí nhân thay cường bạo” – là người khai sáng. Tư tưởng yêu nước của Nguyễn Trãi mà Nguyễn Đình Chiểu là người thừa kế muộn màng nhưng không lạc hậu, là biểu tường cho ý thức dân tộc cao, chín muồi và hoàn chỉnh trong điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của châu Á thời trung đại". (Nguyễn Khánh Toàn – Nguyễn Đình Chiểu người chiến sĩ yêu nước, nổi hồi trống  xuất trận đầu tiên của nhân dân nam bộ, đánh đuổi quân giặc cướp nước phương Tây – Kỷ yếu hội nghị khoa học về Nguyễn Đình Chiểu, SVHTT Bến Tre 1984).

"Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ mù của nền văn học Việt Nam, một nhà thơ lớn lá cờ đầu của nền thơ văn yêu nước từ cuối thế kỷ XIX. Vinh dự cho nhà thơ mù ấy, là đặc biệt tượng trưng cho sự sáng suốt của tấm lòng, của trí tuệ… Có cái trí để hiểu biết, có cái tâm để yêu thương và có cái tài để thực hiện. Văn chương Nguyễn Đình Chiểu có sự thống nhất 3 mặt ấy". (Xuân Diệu – Đọc lại thơ văn Nguyễn Đình Chiểu - Nguyễn Đình Chiểu, tấm gương yêu nước và lao động nghệ thuật, NXBKHXH Hà Nội 1973).

"Uy tín lớn lao về đạo đức của đồ Chiểu (mà ông đúng là một nhà giáo có rất nhiều học trò), thái độ bất hợp tác của ông đối với bọn thực dân, đã khiến  cho nhà thơ trở thành một sức mạnh lớn lao, mặc dù ông không có binh tướng trong tay. Về thực chất, Nguyễn Đình Chiểu là linh hồn của phong trào chống Pháp, là người cổ vũ phong trào đó. Văn thơ của ông đã tìm được con đường đi thẳng vào trái tim nhân dân". (N.Niculin, nhà nghiên cứu văn học Liên Xô).

Sách vở xưa, cả chính trị, tôn giáo, đạo đức, triết học nhưng chính đạo đức ở đời, đạo lý làm người, và làm người trong hoàn cảnh bấy giờ. Sự việc hàng mấy mươi thế kỷ, rút lại mỗi triều đại, mỗi câu, ở chính cái lõi của lõi trong đó rồi tượng hóa nó thành sự vật cụ thể, gần gũi. Cái tài khái quát, cụ thể hóa ấy dễ mấy ai bì kịp. nhưng cái chính là tấm lòng, bởi đằng sau chữ nghĩa là thời sự trước mắt và sức lao động của lời thơ lại là tâm tư thái độ của tác giả. Đạo lý không còn khô khan mà trở thành “đạo vị, mùi đạo”, có  vị, có mùi trở thành cảm xúc máu xương của con người. Nói đạo lý bằng lời của  trái tim, đó là chỗ độc đáo, cũng là chỗ tài ba, cao cả của Cụ Đồ.