Site banner

Danh nhân Văn hóa Nguyễn Đình Chiểu

 

 

          Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu đã có một cuộc đời đầy biến cố, mất mát, giai đoạn thế kỷ XIX. Tiểu sử cuộc đời của cụ đã được tóm lược và khắc lại trên văn bia Nguyễn Đình Chiểu, trong khuôn viên Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu.

Tượng chân dung Cụ Đồ tại Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu.

Ảnh: Ánh Nguyệt

          Cụ sinh ngày 1-7-1822, tại làng Tân Thới, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (nay thuộc phường Cầu Kho, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh), tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ (sau khi bị mù, cụ lấy hiệu là Hối Trai).

          Năm 1843, cụ thi đậu Tú tài ở trường thi Gia Định. Năm 1849, cụ ra Huế chờ khoa thi Hội, chưa kịp thi thì được tin mẹ mất nên trở về Gia Định chịu tang mẹ. Vì khóc thương mẹ, cụ đã lâm bệnh nặng rồi bị mù hai mắt. Mãn tang mẹ, cụ mở trường dạy học, làm thầy thuốc chữa bệnh cho dân và sáng tác thơ văn. Người dân quý trọng gọi cụ là “Đồ Chiểu”. Một người học trò của cụ tên là Lê Tăng Quýnh cảm thương hoàn cảnh cụ, đã xin cha mẹ gả em gái của mình cho cụ là bà Lê Thị Điền.

Tái hiện hoạt động dạy học và chữa bệnh cho nhân dân của cụ Đồ Chiểu. Ảnh: Ánh Nguyệt

         Năm 1859, giặc Pháp chiếm thành Gia Định, cụ Nguyễn Đình Chiểu về quê vợ ở làng Thanh Ba, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Pháp chiếm Cần Giuộc, cụ về tị địa tại Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Biết cụ là người được nhân dân kính trọng và yêu mến, thực dân Pháp dùng mọi cách để mua chuộc. Cụ cương quyết không hợp tác với giặc. Cụ sống thanh bần, dùng thơ văn để làm vũ khí góp phần động viên, cổ vũ nhân dân chống giặc. Cụ mất vào ngày 3-7-1888 và an nghỉ tại xã An Đức, huyện Ba Tri. 

            Hiện nay, phần mộ của cụ nằm trong khuôn viên Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu, cùng với phần mộ bà Lê Thị Điền (vợ của cụ) và người con gái là Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh - nhà thơ, nhà báo, Chủ bút nữ đầu tiên của Việt Nam.  

Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: Ánh Nguyệt

         Cụ Nguyễn Đình Chiểu đã có gần 30 năm gắn bó và chiến đấu cùng với nhân dân huyện Ba Tri nói riêng, tỉnh Bến Tre nói chung. Cụ là nhà thơ, thầy thuốc, nhà giáo yêu nước, chiến đấu chống kẻ thù không khoan nhượng bằng chính ngòi bút sắc bén của mình.

Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu gồm nhiều thể loại, trong đó, thành công nhất là truyện thơ và các bài văn tế bằng chữ Nôm. Có thể kể đến các tác phẩm như: Truyện thơ Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu, Ngư Tiều y thuật vấn đáp, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh, 10 bài thơ điếu Đốc binh Phan Ngọc Tòng... Các tác phẩm cụ sáng tác là những áng thơ văn bất hủ, chứa chan lòng yêu nước thương dân, đặc biệt là đối với người nông dân tay lấm chân bùn, căm thù giặc ngoại xâm; đồng thời, dạy con người đạo nghĩa ở đời.

Tuyên truyền thơ văn Cụ Đồ tại Ngày hội truyền thống Văn hóa tỉnh 1-7. Ảnh Ánh Nguyệt

Quyển sách Thư pháp có in thơ văn của Cụ Đồ. Ảnh: Ánh Nguyệt

         Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, tác phẩm truyện thơ Lục Vân Tiên là một trong những tác phẩm ưu tú của nền văn học Việt Nam có ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa dân gian các tỉnh phía Nam. Đây là tác phẩm được cụ viết trước khi thực dân Pháp xâm lược, nhằm tuyên truyền đạo lý làm người. Tác phẩm có tổng 2075 câu thơ với hình thức truyện kể văn vần (hay còn gọi là truyện thơ) cùng nhiều hình tượng nghệ thuật đẹp trong văn chương đã được nhân dân tiếp nhận và tin theo đạo lý chính nghĩa ấy.

Sách về truyện thơ Lục Vân Tiên. Ảnh: Ánh Nguyệt

            Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên - Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhận định: Truyện thơ Lục Vân Tiên là một tác phẩm độc đáo “có một không hai” trong số những truyện thơ ở Việt Nam. Cụ Nguyễn Đình Chiểu đã tiếp thu được những tinh hoa của văn hóa dân gian từ cách cảm, cách nghĩ đến lời ăn, tiếng nói của người dân lao động, nên khi chuyển tải vào tác phẩm Lục Vân Tiên đã trở nên gần gũi với dân gian và sớm được nhân dân khai thác như nguồn chất liệu cho dân ca. 

            Theo Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên - Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam): “Tác phẩm đã thể hiện tư tưởng của cụ Đồ Chiểu. Mỗi một nhân vật trong tác phẩm không chỉ là gửi gắm niềm khát vọng, lý tưởng, mục đích, ý chí sống to lớn của cụ mà còn phản ánh cuộc đời của cụ. Thông qua các tuyến nhân vật, cụ cũng đã phê phán mạnh mẽ những cái xấu xa của xã hội”.  

Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên giới thiệu về truyện thơ Lục Vân Tiên. Ảnh: Ánh Nguyệt

           Từ tác phẩm Lục Vân Tiên đã cho ra đời loại hình diễn xướng Nói thơ Vân Tiên. Theo Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, hình thức diễn xướng Nói thơ Vân Tiên trên vùng đất Bến Tre đã lan tỏa và có mặt trong một không gian rộng lớn, cho thấy rằng, truyện thơ Lục Vân Tiên có một giá trị rất sâu sắc trong đời sống cộng đồng. “Nói thơ Vân Tiên” hiện vẫn còn được lưu giữ trong ký ức của nhiều người lớn tuổi và được truyền dạy cho các thế hệ trẻ về sau.

Truyền dạy Diễn sướng Nói thơ Vân Tiên. Ảnh: Ánh Nguyệt

Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Thị Kiều Tôn cho biết: Thế hệ hiện tại tự hào và vinh dự khi được thừa hưởng giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nói thơ Vân Tiên, đồng thời, cũng là trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị di sản đó. Nhiều năm qua, đặc biệt là trong năm 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn “Nói thơ Vân Tiên” nhằm bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật này trong các tầng lớp nhân dân.

         Nhà thơ, nhà giáo, thầy thuốc Nguyễn Đình Chiểu đã được UNESCO thông qua nghị quyết cùng kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Qua đó đã khẳng định, quốc tế đánh giá cao những giá trị về văn hóa của cụ Nguyễn Đình Chiểu để lại. Đây không chỉ là dịp để nhắc nhớ một danh nhân của xứ Dừa, của đất nước, mà tiếp tục tôn vinh những giá trị văn hóa to lớn cụ đã để lại cho đời.

Hội thảo hướng đến kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: Ánh Nguyệt

         Theo PGS.TS Đoàn Lê Giang - nguyên Trưởng khoa Việt Nam học - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (TP. Hồ Chí Minh), người có hơn 30 năm nghiên cứu và giảng dạy về Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu: Có thể thấy rõ 4 phương diện giá trị văn hóa của cụ Nguyễn Đình Chiểu để lại và xem đây là những di sản quý báu đã đóng góp cho dân tộc và nhân loại. Đó là, một nhà thơ lớn của nhân dân Việt Nam; một nhà thơ, nhà giáo, thầy thuốc nhân đạo, thân dân và yêu hòa bình; một nhà tư tưởng lớn của Việt Nam - người đã đánh dấu quá trình chuyển biến của Nho học Việt Nam theo hướng đô thị hóa, Việt hóa và bình dân hóa; thầy giáo, thầy thuốc vượt qua nghịch cảnh để giúp ích cho nhân dân.

Lãnh đạo tỉnh và nhân dân đến viếng, dâng hương tại đền thờ Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: Ánh Nguyệt - Nguyễn Dừa

          200 năm qua, Nguyễn Đình Chiểu đã là tấm gương ngời sáng về lòng yêu nước, thương dân, nhân cách “trọng nghĩa, khinh tài”, sống thanh bần và khí khái. Để tôn vinh và giáo dục các thế hệ về các giá trị văn hóa quý giá mà Nguyễn Đình Chiểu để lại, từ năm 1992, tỉnh đã chọn ngày 1-7 là Ngày hội truyền thống VH tỉnh Bến Tre. Ngày hội được duy trì tổ chức hàng năm và ngày càng mở rộng quy mô hơn.

Học sinh tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: Ánh Nguyệt

Bác sĩ khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Ảnh: Phan Hân

            Giám đốc Sở Y tế Ngô Văn Tán cho biết:“Cán bộ, công chức, viên chức của ngành y tế luôn học hỏi và không ngừng cố gắng rèn luyện, trau dồi để nâng cao y nghiệp và y đức, hết lòng chữa trị, chăm sóc tốt cho người bệnh theo tấm gương của cụ Nguyễn Đình Chiểu, hướng đến đưa công tác khám chữa trị ngày càng đạt hiệu quả toàn diện hơn. Vừa là thực hiện ý nguyện của thế hệ đi trước để lại, vừa đáp ứng nhu cầu của xã hội trong thời điểm hiện nay, cũng như trong tương lai”.

Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ kiểm tra Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: Ánh Nguyệt

          Lễ kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu sẽ diễn ra vào tối ngày 30-6-2022, tại Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu. Bên cạnh đó còn có hoạt động: Hội thảo khoa học quốc tế về Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (ngày 29-6-2022); trưng bày triển lãm về cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Đình Chiểu tại Bến Tre và trưng bày ảo đến UNESCO (dự kiến khai mạc ngày 28-6-2022). Ngoài ra, còn có các hoạt động hưởng ứng như: thực hiện quyển sách chữ Thư pháp khổ lớn về Nguyễn Đình Chiểu, “Hành trình theo bước chân Cụ Đồ”; Hội diễn “Tiếng hát hẹn hò 9 dòng sông” lần thứ 18; Giải Bến Tre Marathon 2022; công chiếu phim tài liệu về Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu; Hội chợ Thương mại - Ẩm thực xứ Dừa năm 2022; các điểm check in, quảng bá du lịch…

Nội dung: Ánh Nguyệt
Hình ảnh: Ánh Nguyệt - Thanh Đồng - Phan Hân - Trung Hiếu - Nguyễn Dừa
Video: Quang Khởi - Thanh Đồng - Trọng Ân
Thiết kế: Mỹ Hạnh

nguồn: https://baodongkhoi.vn/danh-nhan-van-hoa-nguyen-dinh-chieu-14062022-a101...