Site banner

Di tích lịch sử Mộ và Khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu

Di tích lịch sử Mộ và Khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu

Di tích Mộ và Khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu (Lăng, mộ Nguyễn Đình Chiểu), thuộc địa bàn xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, là nơi thờ và an táng nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, cùng vợ là Lê Thị Điền và con gái là Nguyễn Thị Ngọc Khuê (Sương Nguyệt Anh).

Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888) là đại diện tiêu biểu cho lớp sĩ phu yêu nước dùng văn thơ làm phương tiện đấu tranh với thực dân Pháp xâm lược bằng tư tưởng. Hầu hết tác phẩm văn, thơ của ông đều viết bằng chữ Nôm, vừa thể hiện tính chiến đấu bền bỉ, vừa mang nặng nỗi lòng về vận mệnh dân tộc và tình yêu thương con người.

Nguyễn Đình Chiểu đóng một vai trò quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nhưng không thể làm như Trương Định đem quân đồn điền kháng chiến, như Trần Thiện Chánh chiêu mộ quân nghĩa dũng chống xâm lăng, như Nguyễn Thông tòng quân đánh giặc..., Ông chiến đấu bằng ngòi bút, hòa mình trong cuộc chiến đấu của nhân dân và trở thành người phát ngôn của phong trào yêu nước chống Pháp. Ông là nhà thơ Việt Nam đầu tiên nói đến chiến tranh nhân dân, đề cao vai trò người nông dân, trong các cuộc khởi nghĩa chống Pháp với ý thức về nhiệm vụ và quyền lợi của mình, họ cần chiến đấu để bảo vệ “tấc đất ngọn rau, bát cơm manh áo” của chính mình, bảo vệ chủ quyền đất nước thiêng liêng. Trong những tác phẩm nổi tiếng như “Lục Vân Tiên”,“Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, “Lục tích sĩ dân trận vong”.., ông ca ngợi tinh thần nghĩa khí và những tấm gương chiến đấu anh hùng của những nghĩa sĩ nông dân. Đối với các lãnh tụ nghĩa quân như Trương Định, Phan Ngọc Tòng,... Nguyễn Đình Chiểu đã dành những lời thơ biểu đạt nghệ thuật, tính trữ tình và anh hùng ca. Ông đã thấy được mối quan hệ giữa lãnh tụ nghĩa quân với quần chúng nhân dân, tình thương của nghĩa quân đối với lãnh tụ cũng như lòng ưu ái của lãnh tụ với nghĩa quân. Đó là quan niệm mới về anh hùng của Nguyễn Đình Chiểu, rất khác với các quan niệm phong kiến về trung quân ái quốc trước đó.

Di tích Mộ và Khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu có tổng diện tích là 14.187,9m2, bao gồm các hạng mục chính: nhà bia, đền thờ mới, đền thờ cũ, khu mộ.

- Nhà bia: được xây dựng năm 2000 - 2002 bằng bê tông cốt thép, cao 12m có hai tầng mái dán ngói, nền lát gạch men. Mặt ngoài đắp nổi hoa lá cách điệu, mặt trong đắp nổi tứ linh. Đỉnh mái đắp nổi biểu tượng bút lông. Chính giữa là tấm bia bằng đá xanh, nguyên khối, có kích thước 2,65m x 2,7m x 1,8m. Mặt trước khắc bài văn bia ca ngợi công đức của Nguyễn Đình Chiểu, mặt sau khắc tóm tắt tiểu sử của nhà thơ. Bài văn bia này đạt giải Ba (không có giải Nhất, Nhì) trong cuộc thi viết văn bia do Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre tổ chức, được khắc vào năm 2003.

- Đền thờ mới: được xây dựng vào năm 2000 - 2002, cao 21m, dựng bằng bê tông cốt thép theo hình tròn, nền lát gạch ceramic, mái đổ bê tông dán ngói âm dương màu xanh, trên các cửa ra vào trang trí đắp nổi một số hoa văn cách điệu như: hoa sen, cuốn thư, ngòi bút, hoa lá... trên trần trang trí hoa văn trống đồng đắp nổi. Đền thờ gồm hai tầng với ba tầng mái. Tầng dưới trưng bày một số hình ảnh Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, một số đoàn khách nước ngoài, nhân dân trong nước đến thăm viếng. Tầng trên đặt tượng Nguyễn Đình Chiểu bằng đồng cao 1,6m, nặng 1,2 tấn. Trên bốn cột ở tứ trụ có 4 liễn áp cột bằng gỗ chạm trổ hoa văn tinh xảo, trong đó có hai câu thơ của ông trong tác phẩm “Dương Từ - Hà Mậu”:

Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm,

Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.

Và câu đối của ông Nguyễn Văn Châu, một người con của Bến Tre viết ca ngợi công đức Nguyễn Đình Chiểu:

Nhân nghĩa sáng ngời vầng nhật nguyệt,

Văn chương tỏ rạng ánh sao Khuê.

Hai bên tượng Nguyễn Đình Chiểu là hai mảng phù điêu. Phù điêu bên trái miêu tả cảnh ông đọc bài văn tế Lục tỉnh sỹ dân trận vong tại Chợ Đập (Ba Tri) năm 1883. Phù điêu bên phải miêu tả trận đánh đầu tiên của người giáo làng Phan Ngọc Tòng lãnh đạo nghĩa quân với vũ khí thô sơ đánh Pháp ở Giồng Gạch (An Hiệp) khi chúng hành quân lấn chiếm vùng đất Ba Tri vào đêm 17 tháng 11 năm 1868.

- Đền thờ cũ: được xây dựng năm 1972, diện tích 84m2, gồm hai tầng mái, lợp ngói âm dương màu nâu, tường gạch, nền lát gạch bông theo kiến trúc truyền thống. Trên nóc trang trí hoa văn rồng - mây cách điệu. Chính giữa có bàn thờ bằng bê tông dán gạch men. Hai cây cột cái đắp nổi câu thơ: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” theo kiểu thư pháp được sơn màu vàng trên nền đỏ. Nội thất trưng bày một số hình ảnh, tư liệu về các vị thủ lĩnh và phong trào kháng Pháp của nghĩa quân Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX.

- Khu mộ: được tôn tạo năm 1958, gồm mộ cụ Đồ Chiểu, mộ cụ bà và mộ con gái Nguyễn Thị Ngọc Khuê (Sương Nguyệt Anh) - nữ sĩ, chủ bút báo Nữ giới chung - tờ báo phụ nữ đầu tiên của Việt Nam. Mộ Cụ Nguyễn Đình Chiểu trên bia có khắc chữ Nhật (日), mộ cụ bà trên bia có khắc chữ Nguyệt (月).

Tại di tích hiện có một phòng trưng bày một số hình ảnh lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách trong nước và nước ngoài, nhân dân trong và ngoài tỉnh đến thăm viếng... Phòng trưng bày còn có một số tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Đình Chiểu như: Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu, Ngư Tiều y thuật vấn đáp, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc,... bằng chữ Hán Nôm và một số tài liệu của các nhà nghiên cứu, sưu tầm, nêu bật giá trị tư tưởng, nhân cách và nội dung các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu.

Hằng năm, chính quyền và nhân dân tỉnh Bến Tre đều tổ chức Lễ hội truyền thống văn hóa vào ngày 01 và ngày 03 tháng Bảy (ngày sinh và ngày mất của Nguyễn Đình Chiểu). Lễ hội với nhiều chương trình phong phú như: lễ dâng hương, đọc văn tế, nói thơ Vân Tiên, thi hóa trang Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga, trích đoạn cải lương Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga, thi mâm xôi ngày hội, mâm cơm ngày giỗ, kéo co, nhảy bao bố, đập niêu... Lễ hội là dịp để ôn lại truyền thống yêu nước của dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau noi theo, học tập về sự nghiệp, những giá trị tư tưởng, nhân cách, đạo đức của nhà giáo, người thầy thuốc và nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Đây cũng là dịp để nhân dân vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các bậc tiền nhân, đồng thời, góp phần tích cực vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống văn hóa của địa phương.

Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu là một hiện tượng văn hóa của Việt Nam thế kỷ XIX. Những tác phẩm của ông có ảnh hưởng sâu sắc và sức sống mãnh liệt trong xã hội đương thời và đến tận hôm nay. Ông là một trong những người khai sáng dòng văn học yêu nước chống Pháp ở Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX, đồng thời, đánh dấu bước phát triển mới của văn hóa nói chung và văn học nói riêng của Nam Kỳ lục tỉnh, thể hiện lý tưởng xã hội tiến bộ và khuynh hướng thẩm mỹ - tư tưởng tích cực. Lý tưởng nhân nghĩa, đạo đức của ông là sự tiếp nối truyền thống dân chủ và nhân đạo của dân tộc trong một giai đoạn lịch sử quan trọng. Xu thế “về nguồn” trong một bộ phận của văn hóa địa phương vùng đất Nam Kỳ lục tỉnh trở nên mạnh mẽ từ sau 1858 và đã hòa chung với dòng văn hóa dân tộc trước hết ở tư tưởng yêu nước, khía cạnh quan trọng nhất trong nền văn hóa Việt Nam. Tư tưởng yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu tiêu biểu cho ý chí độc lập của nhân dân ta ở thế kỷ XIX và cũng tiêu biểu cho truyền thống yêu nước, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam.

Với giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt, di tích Mộ và Khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt (theo Quyết định số 2499/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2016)./.

Tiến Dũng (theo Hồ sơ di tích Cục Di sản văn hóa)

nguồn: http://dsvh.gov.vn/di-tich-lich-su-mo-va-khu-tuong-niem-nguyen-dinh-chie...