Site banner

Đồ Chiểu trong lòng các tầng lớp nhân dân

BDK - Nguyễn Đình Chiểu tuy không sinh ra ở Bến Tre nhưng đã có hơn 1/4 thế kỷ sống ở nơi đây. Vùng đất địa linh Ba Tri là nơi an nghỉ cuối cùng của cụ. Cụ đã để lại cho nhân dân Bến Tre những di sản văn hóa, tinh thần quý báu, góp phần tạo nên một truyền thống kiên cường, bất khuất của một vùng đất anh hùng. Nhân cách, đạo đức sáng ngời của Nguyễn Đình Chiểu không chỉ được người cùng thời kính trọng mà đi qua 200 năm, nhân cách ấy vẫn là tấm gương cho bao thế hệ, đi vào tình cảm trong lòng của các tầng lớp nhân dân.

Các em học sinh tham quan Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu.

Nhân cách cụ Đồ

Nguyễn Đình Chiểu có nhiều tác phẩm để đời như: Lục Vân Tiên, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Ngư Tiều y thuật vấn đáp… Các tác phẩm của cụ là những áng thơ văn bất hủ, chứa chan lòng yêu nước thương dân. Đồng thời, còn dạy con người giữ đạo nghĩa ở đời, phải trái phân minh và đạo lý ấy vẫn vẹn nguyên giá trị đến ngày nay. Không những thế, cụ còn là nhà giáo, thầy thuốc mẫu mực hết lòng vì nhân dân.

Như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận xét nhân kỷ niệm 75 năm Ngày mất của cụ Đồ Chiểu: “Trên bầu trời có những vì sao có ánh sáng khác thường, nhưng con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy, và càng nhìn thì càng thấy sáng. Văn thơ của Nguyễn Đình Chiểu cũng vậy” (nguồn tập sách Di tích Lịch sử Văn hóa Bến Tre do Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc ấn hành năm 2009). Các cứ liệu lịch sử cũng đã ghi lại, kính phục tấm lòng yêu nước, thương dân của cụ. Ngày đưa tang khi cụ mất, cả một vùng trắng xóa khăn tang của các học trò, người dân được cụ chữa bệnh, bạn bè, bà con gần xa, những người mến mộ tài đức của cụ đã đến đưa tiễn cụ với bao niềm tiếc thương, thương mến.

Cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của cụ không chỉ được tôn thờ, nhắc nhớ qua khu mộ - nay là Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu. Qua các hoạt động kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của cụ, Ngày hội truyền Văn hóa tỉnh 1-7 (từ năm 1992 đến nay), các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy mà đặc biệt, còn là nguồn cảm xúc cho nhiều nhà thơ, nhà văn. Điển hình như nhà thơ Lê Anh Xuân (1939 - 1968), tuy ông là người gốc Châu Thành nhưng đã được nghe thơ cụ Đồ Chiểu từ thuở nhỏ và đã cảm tác viết bài thơ “Đọc thơ Đồ Chiểu”. Bài thơ này được giới thiệu lại trên Tạp chí Văn nghệ Hàm Luông năm 2017. Toát lên toàn bài là vần thơ chứa chan tình cảm dành cho Cụ Đồ như: “Tuổi nhỏ về Ba Tri/ Đường đi dài cát trắng/ Trên ngôi mộ nhà thơ/ Lá dừa che ánh nắng/ Nằm trên võng quê hương/ Nghe đọc thơ Đồ Chiểu/ Tuổi lên mười chưa hiểu/ Nhưng thấy lòng thương thương…”.

 Ngày nay, Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu là nơi đón hàng ngàn lượt khách mỗi năm đến viếng, thắp hương cụ Đồ bày tỏ lòng thành kính với một danh nhân của quê hương Bến Tre và của đất nước nói chung.

Cụ Đồ trong lòng người dân An Đức

Xã An Đức, huyện Ba Tri, vùng đất được chọn là nơi an nghỉ cuối cùng của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Nơi đây lưu giữ mộ phần của cụ cùng vợ và con gái. Từ tinh thần Đồ Chiểu “trượng nghĩa, trừ gian” đã hun đúc nên một An Đức anh hùng. Xã đã vinh dự đón nhận danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” vì đã có thành tích xuất sắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trong tập kỷ yếu Lịch sử đấu tranh cách mạng xã An Đức (ấn hành năm 2008) có nêu: Nhắc đến An Đức, nhiều người thường nhớ đến cụ Nguyễn Đình Chiểu, một nhà thơ, một nhà giáo, người thầy thuốc mà tinh thần yêu nước, thương dân đã được sử sách ca ngợi, là hình ảnh cao đẹp về đức tính trung - hiếu, tiết nghĩa vẹn toàn, được nhân dân hết lòng kính trọng.

Ở thế hệ hiện tại, hầu hết người dân xã An Đức đều nằm lòng lịch sử Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Ông Phạm Văn Luân - Bí thư Chi bộ ấp Giồng Cục, xã An Đức chia sẻ: Ấp có 14 tổ nhân dân tự quản (NDTQ), với 518 hộ dân. Đời sống kinh tế của ấp chủ yếu là nông nghiệp, buôn bán nhỏ và lao động tự do. Ấp có một doanh nghiệp lớn đóng trên địa bàn. Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu tọa lạc trên địa bàn Tổ NDTQ số 5.

Ông Phạm Văn Luân là đảng viên, với 33 năm tuổi Đảng, bộ đội xuất ngũ từ Campuchia. Năm 2005, ông được tín nhiệm bầu làm Trưởng ấp; năm 2011 được tín nhiệm vào vai trò Bí thư Chi bộ ấp. Là người của địa phương hơn 50 năm qua, ông đã chứng kiến sự đổi thay rõ nét trên quê hương An Đức. Đặc biệt, từ lòng kính trọng của nhân dân nơi đây đối với cụ Nguyễn Đình Chiểu đã hình thành nên nếp sống, nếp nghĩ trong đời thường như: Tích cực cùng ấp xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng giao thông nông thôn, san sẻ với các hoàn cảnh khó khăn và cùng đoàn kết, thực hiện tốt các nhiệm vụ theo chủ trương chung của tỉnh, huyện.

Đối với thế hệ trẻ, không chỉ được dạy học về cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của cụ Nguyễn Đình Chiểu trong trường học mà còn được giáo dục trải nghiệm thực tế. Em Hồ Thị Mỹ Tiên, học sinh lớp 11A1, Trường THPT Phan Thanh Giản, quê nhà ở xã Phú Lễ, huyện Ba Tri cho biết, từ nhỏ, em đã được người lớn trong gia đình kể về cụ Nguyễn Đình Chiểu. Sau đó, em được biết nhiều hơn khi học tác phẩm của cụ ở trường. Đặc biệt, em cùng các bạn học đã nhiều lần đến tham quan, tìm hiểu Di tích Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu nên có nhiều dịp hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của cụ. Vừa qua, trường em tổ chức cuộc thi Nói thơ Vân Tiên khá vui tươi, sôi nổi.

Em Mỹ Tiên chia sẻ thêm, qua tìm hiểu, em rất ngưỡng mộ cụ Đồ Chiểu. Tuy đôi mắt mù lòa, cuộc đời nhiều biến cố nhưng cụ vẫn không khuất phục, vươn lên là một người hữu ích cho xã hội bấy giờ như làm thơ chống giặc, dạy học, bốc thuốc cho nhân dân. Noi theo tấm gương của cụ, đồng thời, bản thân em là đoàn viên, em càng thấy mình phải tiếp tục phấn đấu học tập tốt, giữ vững thành tích học giỏi đã đạt nhiều năm qua. Em dự tính, sau khi tốt nghiệp phổ thông sẽ thi vào ngành y, là một nhân viên y tế mang tâm và đức hết lòng góp sức chăm sóc sức khỏe cho nhân dân như tấm gương cụ Đồ Chiểu.

Bí thư Chi bộ ấp Giồng Cục, xã An Đức Phạm Văn Luân cho biết: “Hàng năm, kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của Nguyễn Đình Chiểu, các tầng lớp nhân dân trong ấp đã lần lượt đến viếng, thắp hương tưởng nhớ cụ, tích cực tham gia các hoạt động kỷ niệm do xã, huyện, tỉnh tổ chức trong Ngày hội truyền thống Văn hóa tỉnh. Ấp cũng thường xuyên quan tâm công tác tuyên truyền về Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu thông qua các cuộc họp chi bộ, sinh hoạt tại các tổ NDTQ, hay trong các hoạt động khác của ấp. Trong nhân cách cụ Đồ Chiểu, tôi tâm đắc nhất là sự chịu khó, vượt lên số phận của cụ. Tuy mù lòa nhưng cụ vẫn làm thơ chống giặc, dạy học, bốc thuốc cho dân. Cụ sống cuộc đời thanh cao, giản dị”.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

nguồn: https://baodongkhoi.vn/do-chieu-trong-long-cac-tang-lop-nhan-dan-2505202...