Site banner

Về ngôi đền thờ cũ và ảnh chân dung Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu

Về ngôi đền thờ cũ và ảnh chân dung Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu

Đến nay, ngôi đền thờ cụ Nguyễn Đình Chiểu đã trải qua thời gian ngót nửa thế kỷ. Nhiều tình tiết xoay quanh ngôi đền bị “hư cấu” làm cho hậu thế không hiểu được thấu đáo sự việc. Tôi là một trong những người chứng kiến từ đầu, nên những gì được kể ra có thể xem là những nội dung xác thực giúp cho sự hoàn thiện những tình tiết cụ thể về ngôi đền và ảnh chân dung của cụ.

Ảnh vẽ cụ Nguyễn Đình Chiểu năm 1975.

Ảnh vẽ cụ Nguyễn Đình Chiểu năm 1982.

Lúc “tiếp quản” huyện Ba Tri (tháng 5-1975), tôi được lãnh đạo phân công nhiệm vụ Trưởng Tiểu ban Tuyên truyền - Thông tin báo chí thuộc Ban Tuyên huấn huyện; ra công khai về mặt Nhà nước với tên gọi là Phòng Thông tin - Văn hóa. Tôi làm nhiệm vụ Thường trực Phòng Thông tin - Văn hóa huyện Ba Tri.

Để chuẩn bị đón vị khách đầu tiên của Trung ương vào thăm đền thờ chỉ ba, bốn ngày sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng (Đó là đồng chí Tố Hữu - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương), đồng chí Lê Sắc Tân (Tư Thạnh) - Bí thư Huyện ủy Ba Tri giao trách nhiệm cho tôi đề xuất và tổ chức thực hiện việc trang trí lại nội thất đền thờ cụ Nguyễn Đình Chiểu, đồng thời trực tiếp làm nhiệm vụ thuyết minh cho khách.

Đền thờ hiện có lúc đó, được xây dựng từ năm 1972 và hoàn thành năm 1974, do ông Mai Thọ Truyền - Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa của chính quyền Sài Gòn đứng ra chủ trì, phối hợp với chính quyền xã An Đức (huyện Ba Tri) do ông Nguyễn Văn Phó làm xã trưởng, đứng ra tổ chức quyên tiền nhân dân An Đức góp vào xây dựng.

Về nội thất của đền lúc ấy, trên ban thờ chưa có ảnh chân dung cụ Nguyễn Đình Chiểu. Chỉ có hai câu liễn thờ mang nội dung:

Học vấn xứng tâm hưng Việt quốc

Hào nhơn kiệt tác chấn Nam bang.

Giữa trên ban thờ có tấm biển mang bốn từ: “Bảo hộ sơn hà”

Chúng tôi khẩn trương nhờ người truy tìm ảnh chân dung cụ. May thay, ở quầy bán tem còn sót lại mấy con tem mang ảnh chân dung cụ Nguyễn Đình Chiểu (ảnh không có râu). Chúng tôi căn cứ vào ảnh này mà nhờ họa sĩ Dương Văn Hường (Năm Hường) vẽ lớn ra và đem treo trên ban thờ để kịp đón tiếp nhà thơ Tố Hữu.

Ở hai cột giữa đền (phía trước ban thờ) là hai câu chữ Hán, đọc từ phải qua, mang nội dung:

Thi phẩm Vân Tiên vạn cổ trường lưu văn hóa sử,

Nhiệt tâm kháng Pháp nhứt thân hoán tỉnh quốc dân hồn.

Giữa hai câu này, phía trên có tấm biển mang bốn từ: “Dân tộc vi hoài”

Phía vách trái (ngoài nhìn vào) có bức tranh phác họa cảnh gia đình cụ Nguyễn Đình Chiểu. Phía vách phải là bảng công khai chi phí xây dựng đền thờ với tổng chi là 1.689.790 đồng và tên người trúng thầu thi công: thợ hồ Vịnh. Phía vách trước (đối diện ban thờ) có bảng ghi tóm tắt tiểu sử cụ Nguyễn Đình Chiểu. Ngoài cổng, giữa hai câu liễn, có 5 từ: “Nguyễn Đình Chiểu chi mộ”

Hai câu liễn (đọc từ phải qua) có nội dung:

Tiết tháo Nho gia phong thuận Ngao châu quang nhất độ,

Tinh thần hiếu tử triều thinh Nam hải chấn thiên thu.

Sau khi nghe tôi thuyết minh và tham quan xong, đồng chí Tố Hữu có góp hai ý: Một là, về lâu về dài, nên có tượng cụ bằng đồng để đặt trên ban thờ; Hai là, nên có những câu liễn bằng chữ quốc ngữ để dân dễ đọc, dễ hiểu.

Hồi mới giải phóng, chưa có phân cấp quản lý di tích cụ thể và tỉnh cũng chưa có ý kiến gì, nên huyện nghĩ rằng đây là trách nhiệm của huyện. Căn cứ vào gợi ý của đồng chí Tố Hữu, Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Tri nhất trí thông qua nội dung đề xuất của Phòng Thông tin - Văn hóa, theo đó, trên ban thờ và hai cột giữa đền được điều chỉnh lại như sau:

Trên ban thờ, chúng tôi cho khắc hai câu thơ của cụ Nguyễn Đình Chiểu, thay thế hai câu bằng chữ Hán, với nội dung: “Sự đời thà khuất đôi tròng mắt (thịt)/ Lòng đạo xin tròn một tấm gương”. Ở hai cột giữa đền, cho đắp chữ nổi hai câu (để thay hai câu chữ Hán): “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà. Riêng hai câu liễn đối ở cổng, lãnh đạo huyện thống nhất giữ nguyên tác bằng Hán văn. Trong khi chưa đủ điều kiện tạc tượng, chúng tôi tiếp tục khai thác thêm ảnh chân dung của cụ.

Tháng 8-1975, tôi cùng nhà giáo, nhà thơ Vũ Đình Liên qua xã Mỹ Chánh Hòa thăm bà Nguyễn Thị Loan (tức bà Tám Phụng, cháu nội cụ Nguyễn Đình Chiểu). Bà Loan đưa ra một bức ảnh vẽ, nói rằng họa sĩ vẽ lại theo ảnh chân dung hai người rất giống cụ, đó là ông Nguyễn Đình Chiêm (con trai thứ 7 của cụ Nguyễn Đình Chiểu) và ông Nguyễn Đình Ninh (cháu nội cụ Nguyễn Đình Chiểu). Nếu so sánh chân dung cụ Nguyễn Đình Chiểu trên con tem và bức ảnh vẽ mà bà Tám Phụng đang quản lý thì gần như “na ná” nhau, tuy nhiên bức ảnh tại nhà bà Tám Phụng có vẻ đôn hậu hơn, ít khắc khổ hơn, dễ gần gũi hơn. Vì vậy, tôi “tạm mượn” bức ảnh vẽ này để một lần nữa nhờ họa sĩ Dương Văn Hường phóng to lên nhằm thay thế bức ảnh vẽ ba tháng trước theo mẫu con tem bưu điện. Bức ảnh vẽ chân dung này của cụ Nguyễn Đình Chiểu đã tồn tại 50 năm nay, vẫn còn ở ban thờ trong đền thờ cũ.

Đền thờ Nguyễn Đình Chiểu được xây dựng từ năm 1972 - 1974 tại Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: Trung Hiếu

Chưa dừng lại ở đó! Đến năm 1982, theo nguyện vọng của cháu cố ngoại của cụ là Mai Huỳnh Hoa, bức ảnh vẽ cụ Nguyễn Đình Chiểu (cùng bản với bức ảnh vẽ do bà Tám Phụng quản lý) được Tiểu ban Thơ Đường (Tiểu ban Nguyễn Đình Chiểu tại TP. Hồ Chí Minh), trong đó có những nhà nho, nhà thơ, nhà giáo, nhà nghiên cứu, họa sĩ… góp ý thêm (như: đề nghị thêm chòm râu, khuôn mặt nên điều chỉnh bớt khắc khổ hơn, chiếc “khăn đóng” đội đầu nên xếp nếp thẳng ngang…). Chị Châu Anh Phụng (cựu nữ sinh Trường Gia Long, thành viên Tiểu ban) được tập thể phân công chọn họa sĩ Hoàng Hiệp (bút danh Thanh Xuân) thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ này một cách chu đáo.

Thế là chân dung cụ Nguyễn Đình Chiểu năm 1982 được phổ biến rộng trong Nam, ngoài Bắc. Chân dung này được đăng trong quyển sách tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu năm 1982 tại TP. Hồ Chí Minh. Tiểu ban Nguyễn Đình Chiểu tại TP. Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức buổi lễ để Mai Huỳnh Hoa trao tặng ông Hoàng Trung Thông - Viện trưởng Viện Văn học (Hà Nội) - bức chân dung Nguyễn Đình Chiểu được vẽ lại nguyên mẫu bằng sơn dầu.

Sau này, các nhà điêu khắc cũng căn cứ vào bức ảnh đó, đồng thời kết hợp với những nội dung “miêu tả” cụ Nguyễn Đình Chiểu của Pillet (người Pháp, từng nghiên cứu Lục Vân Tiên) và của Michell Ponchon (Chánh Tham biện Bến Tre) để “vận dụng” sao cho khuôn mặt của cụ Nguyễn Đình Chiểu trở nên khuôn mặt “của dạng người Việt Nam đẹp” (Pillet), “vẻ mặt yên lặng… mà đầy nét cao quý” (Ponchon), hiền từ nhưng không kém phần cương nghị, thể hiện đúng diện mạo, phong thái của một nhà Nho, nhà văn hóa lớn (như đã thể hiện phần nào ở tượng bán thân đang thờ tại đền thờ trung tâm - Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre do họa sĩ - điêu khắc gia Lê Dân tạc năm 2003).

Nhân kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1-7-1822 - 1-7-2022), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre, Bảo tàng Bến Tre lại có dịp sưu tầm ảnh chân dung và tượng của cụ qua các thời kỳ để phục vụ cho triển lãm tại Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu. Hy vọng qua đợt sưu tập này sẽ phát hiện được nhiều điều thú vị và bổ ích để ngày càng hoàn thiện hơn câu chuyện xung quanh về đền thờ, về chân dung và tượng của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu.

Nguyễn Quang Trị

Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Bến Tre

nguồn: https://baodongkhoi.vn/ve-ngoi-den-tho-cu-va-anh-chan-dung-danh-nhan-ngu...