Quyển sách thư pháp đặc biệt về danh nhân Nguyễn Đình Chiểu
Ngày 2/6 vừa qua, tại Thư viện Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre đã khảo sát, lấy ý kiến các ban, ngành khi tiếp nhận quyển sách thư pháp về danh nhân Nguyễn Đình Chiểu do nghệ nhân thư pháp Vũ Đăng Học (TP. Hồ Chí Minh) trao tặng.
Quyển sách thư pháp kỷ lục
Mang tên Nguyễn Đình Chiểu thi tuyển, quyển sách 209 trang, chế tác thủ công trên nền giấy xuyến chỉ, với kích thước 1,8mx1,4m, nặng khoảng 500kg. Sách được chế tác thủ công bằng giấy xuyến chỉ, đóng trong vỏ hộp gỗ sồi phối gỗ gõ đỏ, được chạm nổi chân dung cụ Đồ, chân đế đỡ bằng sắt.
Tác phẩm được thực hiện trong khoảng thời gian hơn 5 tháng dự kiến sẽ được đăng ký xác lập kỷ lục thế giới. (Nguồn: TTXVN)
Nội dung sách gồm hai phần chính gồm: Nguyễn Đình Chiểu danh tác (các tác phẩm của cụ Đồ) và Ngưỡng vọng Nguyễn Đình Chiểu (tuyển tập thơ của các thế hệ sau viết về Nguyễn Đình Chiểu), kèm theo 9 trang tranh trang trí và bức thư pháp chữ Đạo được điêu khắc nổi, dát vàng.
Viết thư pháp trên giấy xuyến chỉ, khổ lớn đòi hỏi người viết có bút pháp tốt, độ nhạy cảm mỹ thuật cao để trình bày nội dung cân đối, đẹp và ý nghĩa. Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Bàn, Nguyễn Đình Chiểu thi tuyển là công trình đồ sộ, mang tâm huyết của nghệ nhân.
Tác phẩm được thực hiện trong khoảng thời gian hơn 5 tháng dự kiến sẽ được đăng ký xác lập kỷ lục thế giới về quyển sách thư pháp có kích thước lớn nhất từ trước đến nay đối với tác phẩm này.
Đặc biệt, tỉnh Bến Tre cũng giao cho các đơn vị phụ trách chuyên môn hoàn chỉnh thêm các chi tiết để trưng bày, triển lãm và kết hợp công nghệ số; đồng thời có các biện pháp lưu trữ, bảo quản tốt, qua đó gìn giữ, phát huy giá trị, tạo lan tỏa tính nhân văn cao đẹp trong tác phẩm.
Nghệ nhân cũng là kỷ lục gia
Vũ Đăng Học (còn được gọi là Gobi Vũ) là cái tên nổi bật trong làng thư pháp Việt Nam. Anh từng xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam về tập thơ thư họa lớn nhất. Anh còn sở hữu hai quyển kinh pháp cú – một quyển lớn nhất Việt Nam, một quyển lớn nhất thế giới cùng nhiều cuốn sách và tập thơ lớn nhỏ khác.
Có thể nói, thư pháp là một trong những bộ môn nghệ thuật rất khó và kén người theo. Tuy nhiên, chàng trai trẻ lại chọn theo đuổi con đường này.
Chia sẻ về cơ duyên khiến bản thân dấn thân vào bộ môn thư pháp, Vũ Đăng Học nhận định lĩnh vực này đến với anh như một định mệnh không thể trốn tránh. Trước đó, anh từng cố gắng theo đuổi rất nhiều những ngành nghề, bộ môn khác nhau, nhưng dường như tâm tư đều không trốn khỏi được định mệnh là thư pháp.
Theo tác giả quyển sách, thư pháp là bộ môn bắt buộc người viết phải có chiều sâu bên trong, để có thể cảm nhận được từng tác phẩm và để có thể thể hiện nó ra. Theo đó, người viết thư pháp có chiều sâu tĩnh tại để có thể chiêm nghiệm tác phẩm, cảm nhận những từ ngữ, những lời hay ý đẹp...
Nghệ nhân Vũ Đăng Học biểu diễn thư pháp trên truyền hình. (Nguồn: HTV)
Ngoài ra, muốn viết thư pháp, trước hết, bản thân người viết phải hiểu, học hỏi và thực hành chúng. Nhờ quá trình rèn luyện đó mà bản thân sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực và sẽ trở thành vốn quý để giúp người viết thư pháp thể hiện trên tác phẩm.
Trong năm 2022, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) sẽ cùng Việt Nam kỷ niệm 200 ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu.
Theo kế hoạch, tỉnh Bến Tre sẽ tổ chức nhiều hoạt động như Hội thảo khoa học quốc tế về danh nhân Nguyễn Đình Chiểu; trưng bày cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Đình Chiểu và Lễ kỷ niệm 200 năm Ngày sinh cụ Đồ.
Ngoài ra, tỉnh cũng tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng như Hội diễn "Tiếng hát hẹn hò 9 dòng sông lần thứ XVIII"; Giải Bến Tre Marathon quốc tế năm 2022; Liên hoan ẩm thực Xứ Dừa; thực hiện phim tài liệu về danh nhân Nguyễn Đình Chiểu; tổ chức Hội chợ Thương mại-Ẩm thực xứ Dừa năm 2022 và hành trình theo chân cụ Đồ…
(tổng hợp)
An Lê
Duy Khánh sưu tầm (https://baomoi.com/quyen-sach-thu-phap-dac-biet-ve-danh-nhan-nguyen-dinh...